Bài học khởi nghiệp đáng chú ý từ “tỷ phú ngầm” vừa gây bão AFF Cup – Tiền đạo Anh Đức

0
2459

Khởi nghiệp vốn chẳng phải chuyện dễ dàng, vậy nếu câu chuyện được kể từ lời của một chàng cầu thủ thuộc hàng lão luyện trong làng bóng đá Việt Nam – tiền đạo Anh Đức, người vừa có bàn thắng đẹp nhất AFF Cup hay cũng được biết đến với cái tên “tỷ phú ngầm” của giới khởi nghiệp thì sao?

Bài học khởi nghiệp đến từ cầu thủ tiền đạo của đội tuyển Việt Nam

Sau chiến thắng vẻ vang của thầy trò HLV Park Hang-seo ở AFF Cup, “lão tướng” Anh Đức là cái tên được nhắc đến nhiều hơn cả. Cầu thủ gạo cội này chính là người ghi bàn thắng trong cả trận bán kết gặp Phillipines và là người ghi bàn thắng quyết định chiến thắng cho đội tuyển Việt Nam ở trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình.

Trước đây, dù đứng ngang hàng với 3 cái tên nổi bật của làng bóng đá Việt gồm Thanh Bình, Công Vinh, Văn Quyến, gắn bó nhiều năm với Becamex Bình Dương nhưng dấu ấn của Anh Đức khi khoác áo đội tuyển quốc gia khá mờ nhạt. Chỉ đến khi anh cùng các đồng đội và HLV Park Hang-seo lập nên kỳ tích cho bóng đá Việt Nam, Anh Đức mới thực sự khẳng định được tài năng nở muộn của mình.

Sau khi tỏa sáng lần nữa trên sân cỏ AFF Cup 2018, người ta còn nhắc đến Anh Đức với sự ngưỡng mộ khi sự nghiệp kinh doanh của anh được tiết lộ. Không chỉ là một chân sút tài năng, Anh Đức còn là một doanh nhân thành đạt với thu nhập khủng. Tập tành buôn bán từ 11 năm trước và hiện là một trong những cầu thủ giàu có nhất làng bóng đá Việt nhưng Anh Đức khá kín tiếng. Câu chuyện khởi nghiệp và bí quyết kinh doanh của anh vẫn còn là “ẩn số”.

#1: Khởi nghiệp cần xuất phát từ nhu cầu và cái thiếu của thị trường

Kinh doanh cách đây cả thập kỷ, Anh Đức chia sẻ, thời điểm đó không hiện đại như bây giờ, giày dành cho cầu thủ bóng đá không được đầu tư nhiều và có chất lượng chưa cao, vô hình chung tạo nên những chấn thương đáng kể cho cầu thủ. Xuất phát từ thực trạng đó, Anh Đức đã ấp ủ chuyện sản xuất những đôi giày riêng với chất lượng chuyên biệt dành riêng cho các cầu thủ bóng đá. “Ý tưởng kinh doanh đồ thể thao và đặc biệt là giày Anh Đức bắt nguồn từ lúc tôi tập luyện. Thời điểm đó không hiện đại như bây giờ, giày dành cho cầu thủ đá bóng khi ấy chất lượng chưa cao, vẫn dễ khiến cầu thủ bị chấn thương. Vì thế, tôi mới cố gắng đầu tư sản xuất một số mặt hàng để hạn chế chấn thương cho mọi người hơn, cũng có chất lượng tốt hơn. Lúc đó tôi cũng chưa có khái niệm gì về đá bóng để quảng cáo đâu.”

Tiền đạo Anh Đức chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp của mình

Thật vậy, ý tưởng khởi nghiệp dù có hay đến mấy, muốn thành công cũng phải xuất phát từ nhu cầu và sự thiếu hụt mà thị trường cần có. Để nắm bắt được những nhu cầu này, người khởi nghiệp cần phải có sự nhanh nhạy, tinh tế và thấu hiểu những khó khăn mà đối tượng mình hướng đến gặp phải. Anh Đức đã có một cái đầu nhạy bén và đủ sâu sắc để nhận ra những khó khăn mà các cầu thủ thời bấy giờ gặp phải.

#2: Khởi nghiệp không chỉ dựa vào nguồn vốn để thành công mà còn là cách tận dụng mọi nguồn lực

Một phóng viên đã từng hỏi Anh Đức liệu có phải vì nền tảng gia đình làm kinh doanh lâu đời nên anh có nguồn vốn dồi dào để kinh doanh riêng mà không sợ thất bại sẽ trắng tay không, cầu thủ đã có câu trả lời khiến ai cũng phải suy ngẫm: “Thực ra, với kinh doanh, tôi chỉ có quan niệm là tận dụng sử dụng hết mọi nguồn lực có thể để đem lại kết quả tốt nhất, chứ không thể gọi là không sợ thất bại. Thất bại thì tôi và gia đình cũng buồn lắm. Tuy nhiên, quan điểm của tôi với startup là khi có đủ vốn duy trì, thì thành công sẽ đến, cho nên không quan trọng là vốn từ đâu và bao nhiêu, quan trọng là sử dụng như thế nào.”

Nhiều startup ngày nay nghĩ rằng, gọi vốn thành công là có tất cả mà không hề biết rằng, sử dụng nguồn vốn đó một cách hiệu quả và thực tế, phù hợp với doanh nghiệp nhất mới đem lại thành công. Vốn thôi là chưa đủ, các startup còn phải có cách kết hợp chặt chẽ giữa mọi nguồn lực với con người, với văn hóa công ty để đem đến những kết quả hiệu quả nhất.

#3: Thương hiệu là yếu tố tiên quyết giúp startup nổi bật

Sau nhiều năm kinh doanh, có một điều mà cầu thủ Anh Đức phải thừa nhận là tâm đắc nhất, đó chính là hai từ “thương hiệu”. “Mình làm cái gì để ổn định lâu dài thì phải có thương hiệu, thương hiệu không phải đến từ cái tên Anh Đức mà đến từ chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sự uy tín.”

Giá trị của thương hiệu mà Anh Đức tâm đắc nhất

Quả thật, trong thời đại cạnh tranh gia tăng như hiện nay, việc xây dựng thương hiệu thành công là một yếu tố cốt lõi giúp quyết định startup đó có duy trì được lâu hay không. Thương hiệu ở đây không chỉ là cái tên của công ty, của sản phẩm mà phải là sự thống nhất chất lượng của mọi sản phẩm, mọi nhân viên, từ cách ứng xử thái độ với khách hàng đến cách quảng bá hình ảnh. Nhiều startup cho rằng thương hiệu chỉ là vỏ bọc và chỉ cần xây dựng khi công ty đã đủ lớn mà quên mất rằng, một thương hiệu tốt mới có thể khiến khách hàng tiếp tục quay lại sau những lần mua đầu tiên.

Nguồn:  CafeF

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here